Trang thông tin điện tử

Phổ biến,giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động nghề nghiệp mang tính pháp lý cao. Hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng.

Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tư vấn pháp luật là một trong các hình thức TGPL. Tư vấn pháp luật trong TGPL được hiểu là hướng dẫn, đưa ra các ý kiến pháp lý cho người được TGPL trong các tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc,…nhằm giúp họ có thể ứng xử phù hợp với pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, khi giao tiếp, cần chú ý đến các kỹ năng giao tiếp, lắng nghe người được TGPL trình bày để hiểu rõ hơn tình tiết vụ việc từ đó đánh giá chính xác hơn yêu cầu của người được TGPL. Khi gặp gỡ, giao tiếp với người được TGPL cố gắng tìm hiểu về tâm lý của từng diện người thuộc đối tượng được TGPL, các mối quan hệ xã hội của người được TGPL để từ đó có thể hiểu rõ và xác định đúng vấn đề cần tư vấn, cảm thông và chia sẻ với người được tư vấn; đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề tư vấn; chỉ đưa ra thông tin phù hợp với vấn đề tư vấn, không đưa ra kết luận theo chủ quan của người tư vấn; hướng dẫn người được tư vấn tự đưa ra lựa chọn và quyết định cho vấn đề của mình.

Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản; tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật và các phương thức khác. Người thực hiện tư vấn pháp luật sẽ hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý với thời gian giải quyết là: Đối với vụ việc đơn giản, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tư vấn ngay; đối vối vụ việc phức tạp: 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung (đối với vụ việc cần xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được trợ giúp pháp lý).

Tra cứu tài liệu tham khảo: Để đưa ra lời tư vấn pháp luật chính xác, việc tra cứu tài liệu pháp luật trong quá trình tư vấn là điều kiện bắt buộc bởi vì: Thứ nhất, để khẳng định với người được TGPL rằng người thực hiện TGPL đang thực hiện tư vấn theo đúng pháp luật, trên cơ sở pháp luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan; thứ hai, việc tra cứu tài liệu pháp luật có liên quan đến vụ việc tư vấn sẽ giúp người thực hiện TGPL khẳng định những lời tư vấn của mình là đúng pháp luật vì trong thực tiễn, không phải bao giờ người thực hiện TGPL cũng có thể nhớ chính xác tất cả các quy định thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau.

Nguyên tắc khi tra cứu, tìm kiếm văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật: Bảo đảm tính hiệu lực: Văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật được tra cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc phải đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm xảy ra vụ việc (tại thời điểm nảy sinh vụ việc, văn bản pháp luật nào đang điều chỉnh và quy phạm pháp luật nào có hiệu lực áp dụng); Bảo đảm tính chính xác: Các văn bản, điều luật người thực hiện TGPL tra cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc phải được trích dẫn chính xác, bảo đảm hiểu đúng quy định pháp luật; Bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện: Người thực hiện TGPL phải tìm kiếm đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Việc tìm kiếm, tra cứu đầy đủ các điều luật liên quan sẽ như một chiếc chìa khóa để xử lý tốt các chứng cứ, giải quyết hết được các mối quan hệ pháp luật trong vụ việc, làm căn cứ để đưa ra giải pháp tối ưu trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên.

Xem xét, xác minh vụ việc: xem xét, xác minh vụ việc là việc rất quan trọng, đặc biệt là đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, chưa có đủ cơ sở pháp lý, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc đã được nhiều cơ quan ban ngành trả lời mà người được TGPL vẫn không đồng ý hoặc trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc TGPL, người thực hiện TGPL thấy chưa có đủ cơ sở để trả lời, cần tiến hành thu thập tài liệu, xác minh để làm rõ vấn đề để tránh đưa ra những kết luận chủ quan, không đúng bản chất vụ việc cần được tư vấn.

Soạn văn bản trả lời cho người được TGPL: Văn bản tư vấn cho người được TGPL phải được ghi rõ địa điểm, thời gian; họ, tên, địa chỉ đối tượng nhận văn bản. Văn bản tư vấn cần đảm bảo các nội dung sau: Lý do để người thực hiện TGPL trả lời, hướng dẫn người được TGPL; Yêu cầu tư vấn của người được TGPL, đưa ra các căn cứ pháp luật để trả lời các yêu cầu mà người được TGPL nêu ra. Văn bản trả lời người được TGPL phải rõ ràng, cụ thể dễ hiểu và được người thực hiện TGPL ký xác nhận.


Tác giả: Ly

Thống kê truy cập

Đang online: 98
Hôm nay: 36
Hôm qua: 287
Năm 2025: 690.514
Tất cả: 690.514